Hướng dẫn cài đặt và sử dụng google analytics để đo lường truy cập website
- 28-08-2020
- trienkhaiweb
- 0 Comments
Google Analytics là một công cụ miễn phí mà Google cung cấp cho các webmaster nói chung, những người làm SEO nói riêng. Với mục đích giúp họ đo lường được lượng truy cập hàng ngày, hàng tháng của website . Ngoài ra, công cụ này còn có rất nhiều tính năng hay ho khác mà không phải ai cũng biết. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để tìm hiểu nhé !
Mục lục
Tổng quan về Google Analytics
Google cung cấp ứng dụng Analytics này để hỗ trợ quản trị viên trang web đánh giá tình trạng tổng thể của trang web chỉ với một đoạn code được tích hợp vào website để đo lường. Độ chính xác của Google Analytics thống kê theo mình đánh giá là trên 98%.
Google Analytic hiển thị cho bạn nắm rõ lưu lượng truy cập trang web, thời gian trung bình của một lượt truy cập và tỷ lệ thoát của người dùng trên trang web của bạn. Ngoài ra, Google Analytics còn cung cấp nhiều thước đo khác giúp bạn hiểu được hành vi lướt web của người dùng.
Google Analytics là một công cụ hoàn toàn miễn phí, chỉ cần bạn có website là có thể đăng ký sử dụng dễ dàng với vài thao tác.
Hướng dẫn đăng ký tài khoản để sử dụng Google Analytics
Bước 1: Đăng ký và cài đặt Google Analytics
Vào website của Google Analytics tại link https://analytics.google.com/, sử dụng tài khoản Google (Gmail) để đăng nhập. Sau đó bạn vào Access Google Analytics để được dẫn đến cửa sổ khai báo thông tin website cho Google Analytics.
Sau đó chọn website hoặc app, hoặc cả 2 tùy theo nhu cầu (Mặc định sẽ chọn cho website).
Chọn những thông tin phù hợp để đăng ký Google Analytics cho website.
Trong đó
- Website name: Tên Website.
- Website URL: Nhập domain website cần đăng ký, lưu ý chọn HTTP hoặc HTTPS theo đúng website.
- Industry Category: Chọn danh mục liên quan đến doanh nghiệp.
- Reporting time zone: Vietnam
Sau khi hoàn tất các bước khai báo thông tin đăng ký Google Analytics trên, Google yêu cầu bạn đồng ý những điểu khoản và chính sách của họ đặt bạn, Bạn chỉ cần tick vào ô và chọn nút Accept.
Sau khi đồng bạn, website sẽ chuyển sang trang để bạn có thể nhận mã Tracking Code, lúc này bạn cần chèn mã Tracking này vào website để Google có thể theo dõi website của bạn.
Bước 2: Cài đặt mã tracking vào website
Đến bước này, bạn sẽ nhận ra một đoạn code JavaScript. Tất cả những gì bạn cần làm là copy đoạn mã này và paste vào phần head trên website của bạn nhé.
Nếu không thành thạo trong việc viết code, bạn có thể cài đặt plugin Insert Header and Footer đối với website WordPress, sau đó truy cập vào cài đặt plugin này để dán nhé!
Vậy là bạn đã hoàn tất bước đăng ký Google Analytics rồi. Hãy đợi trong vòng 24h – 48h và website của bạn sẽ được theo dõi bởi Google Analytics!
Việc cài đặt này phải được thực hiện trên mọi trang trên trang trên web của bạn. Việc cài đặt sẽ phụ thuộc vào loại trang web bạn có.
Hướng dẫn cách xem và sử dụng Google Analytics
Google Analytics cung cấp cho bạn rất nhiều số liệu liên quan đến trang web, các báo cáo trong Google Analytics được liệt kê trong thanh điều hướng bên trái của trang. Nếu bạn là người mới bắt đầu, bạn nên chú ý đến các báo cáo sau:
Thời gian thực: Cho bạn biết trạng thái, điều gì đang diễn ra trên website của bạn trong thời điểm hiện tại.
Đối tượng: Thống kê chi tiết thành phần, số liệu, thông tin cụ thể về khách hàng, lượt truy cập website.
Chuyển đổi: Cho biết cách khách hàng đến trang web của bạn và quản lý tiến trình của các chiến dịch quảng cáo trả tiền, từ khóa, …
Behavior (Hành vi): Giúp bạn thống kê lượt tương tác của người truy cập với website.
Báo cáo thời gian thực
Báo cáo thời gian thực là một công cụ rất hữu ích cho phép bạn theo dõi lưu lượng truy cập của mình trong thời gian thực: Ai đang truy cập, họ đến từ đâu và họ đang xem trang hoặc bài đăng nào. tại thời điểm đó. Để xem, hãy chuyển đến Báo cáo tổng quan hoặc bạn có thể tìm hiểu thông tin sâu hơn bằng cách nhấp vào các báo cáo chi tiết bên dưới: Vị trí, nguồn lưu lượng truy cập, nội dung, sự kiện, chuyển đổi.
Tính năng này đặc biệt quan trọng trong việc kiểm định tác động trực tiếp tới lưu lượng truy cập của các chiến dịch quảng cáo, email marketing… Ví dụ như bạn đang chạy quảng cáo trên Facebook, ngoài việc bạn có thể theo dõi tổng bao nhiêu người đang truy cập trang web của bạn mà bạn còn biết được có bao nhiêu lượt truy cập từ Facebook trong thời điểm hiện tại. Qua việc giám sát này, bạn sẽ có sự đánh giá hiệu quả của chiến dịch này, có thu hút lượt click hay không, trang nào, bài viết nào được người tiêu dùng quan tâm.
Báo cáo đối tượng
Báo cáo này giúp bạn nắm được những thông tin cơ bản của khách hàng về nhân khẩu học như giới tính, ngôn ngữ, địa điểm, thậm chí còn có thể biết được họ truy cập website của bạn nhờ sản phẩm công nghệ nào (điện thoại hay PC…), hệ điều hành gì (Mac, window, iOS, Android…), mạng nào (FPT, 3G, Viettel…)
Trong phần Tổng quan đối tượng bao gồm các thông tin:
- Phiên: Khoảng thời gian mà 1 người dùng truy cập website
- Người sử dụng: Tổng số người truy cập vào website bao gồm cả người dùng cũ và người dùng mới
- Số lần xem trang: Tổng số trang đã được xem. Số lần xem lặp lại của 1 trang vẫn được tính
- Số trang/phiên: Cho bạn biết trung bình 1 phiên truy cập đọc bao nhiêu trang trên website
- Thời gian trung bình của phiên: Thời gian trung bình mỗi lần truy cập
- Tỷ lệ thoát: Được tính là tỷ lệ % lượng truy cập vào website và thoát ra mà không có thao tác nào trong khoảng thời gian 30s.
- % phiên mới: Tỷ lệ % lượng khách hàng mới so với tổng số người truy cập website.
Những thông tin trên giúp bạn nắm rõ được tình hình phát triển của website. Một trang web thành công là 1 trang web có lượng truy cập cao, số phiên, số người sử dụng, lần xem trang, số trang phiên, thời gian trung bình của phiên càng lớn càng tốt, riêng tỷ lệ thoát cần phải giảm tối đa.
Báo cáo sức thu hút
Báo cáo này rất quan trọng bởi nó cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về cách thức khách hàng tìm đến website của bạn và cách họ truy cập trang như thế nào. Google Analytics sẽ cung cấp cho bạn tỷ lệ những kênh mà thông qua đó người dùng đến với website của bạn, ví dụ như Google search, mạng xã hội hay vào trực tiếp trang.
Chi tiết hơn, bạn cũng biết được kênh nào thu hút được nhiều khách ghé thăm, kênh nào mang lại nhiều tương tác nhất hay kênh nào mang đến nhiều doanh thu nhất… Từ việc nắm được phương thức, kênh hiệu quả hay không có thể giúp bạn định hướng và đầu tư hiệu quả để chiến dịch tiếp cận khách hàng tối ưu nhất.
Ngoài ra, báo cáo này cũng giúp bạn biết được những trang hoặc những domain đang có đường liên kết với website và lượng truy cập từ các kênh đó để bạn lựa chọn cơ hội quảng bá website hiệu quả.
Báo cáo hành vi
Báo cáo hành vi bao gồm tất cả thông tin về nội dung từng trang, tốc độ và thời gian tải trang, phản ứng của người truy cập khi vào website của bạn. Từ đó, bạn sẽ có kế hoạch cải thiện nội dung hoặc kĩ thuật tốt hơn cho website của mình để tạo ra những trải nghiệm thú vị hơn dành cho khách hàng và làm gia tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Trong bảng hiển thị trên, bạn sẽ biết được chính xác hàng vi tương tác của người dùng, từ đó biết được tỷ lệ thoát ở đâu nhiều nhất để điều phối chiến lược onpage cho website tốt hơn.
Hệ thống cấu trúc tài khoản Google Analytics
Phần này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tài khoản Google Analytics nhằm biết cách thiết lập tài khoản bảo mật hơn, nhiều tính năng hơn.
Tài khoản (account)
Mục này cho phép bạn tiếp cận gần 50 thuộc tính khác nhau, giúp bạn có thể tùy biến các thuộc tính cho tài khoản theo yêu cầu. Hãy thống nhất sử dụng 1 thuộc tính lâu dài nếu bạn là người mới sử dụng Google Analytics.
Thuộc tính (property)
Mục này cho phép bạn sở hữu một loại mã theo dõi kích hoạt được nhận diện bởi con số ID có mẫu như sau: UA-79918216-1 (mã này là duy nhất và không thể điều chỉnh được)
- Dãy số ở giữa là số tài khoản.
- Số ở cuối là số thuộc tính.
Chế độ xem (view)
View cho phép bạn định dạng cách bạn xem số liệu trên Analytics. Có rất nhiều thuộc tính xem báo cáo, mỗi thuộc tính ấy cho phép bạn xem đến 25 số liệu. Hãy duy trì một thuộc tính duy nhất để tránh dữ liệu bị thao túng theo sự thay đổi của chế độ xem nhé.